Đạt tự do tài chính với 5 bước cụ thể
Tự do tài chính là một dấu mốc rất quan trọng trong sự nghiệp của mỗi người và đây là đích đến của rất nhiều người trong chúng ta, tuy nhiên không phải ai cũng có thể đạt được tự do tài chính như mình mong muốn trong suốt cả cuộc đời, lý do là vì phần lớn mọi người chưa hiểu rõ về nó, vì vậy nên chưa vạch ra được con đường và các mục tiêu cụ thể nhằm đạt được tự do tài chính.
Dưới đây là 5 bước cụ thể để giúp chúng ta đạt được tự do tài chính mà mọi người có thể tham khảo để từ đó xây dựng cho mình một phương pháp phù hợp để có thể đạt được tự do tài chính, các bước này phần lớn mọi người đều có thể làm theo, tuy nhiên nó đầu đòi hỏi tính kỷ luật và làm theo trong thời gian khá dài, mỗi người cần phải tự điều chỉnh và cân đối để phù hợp với điều kiện và nhu cầu tài chính của bản thân mỗi người.
Bước 1: Theo dõi và điều chỉnh chi tiêu
Đối với phần lớn người Việt, chúng ta thiếu kiến thức về quản lý tài chính cá nhân và thường bắt đầu khá muộn, thông thường là vài năm sau khi đã trưởng thành và đi làm. Để làm tốt việc quản lý tài chính cá nhân, chúng ta cần lập kế hoạch chi tiêu để có cách quản lý và điều chỉnh chi tiêu một cách phù hợp, các bước thực hiện quản lý tài chính cá nhân như sau:
Theo dõi chi tiêu
Để theo dõi chi tiêu, chúng ta cần ghi lại tất cả các loại động chi tiêu hàng ngày dù là nhỏ nhất, và tiến hành sắp xếp, phân loại các hoạt động chi tiêu và thu nhập. Có thể ghi chép bằng sổ tay hoặc file excel và sau đó thống kê lại. Hiện nay có rất nhiều ứng dụng để hỗ trợ chúng ta trong việc theo dõi chi tiêu cá nhân, như Money Lover, Sổ Thu Chi MISA...
Lập kế hoạch chi tiêu (Ảnh: freepik)
Việc theo dõi chi tiêu sẽ giúp chúng ta hiểu được tình trạng tài chính hiện tại một cách chính xác và cụ thể:
- Tổng số tiền đang có
- Tổng số nợ đang có
- Thu nhập hàng tháng từ những nguồn nào và bao nhiêu
- Chi tiêu hàng tháng là bao nhiêu, cho những khoản nào
Điều chỉnh chi tiêu hợp lý
Sau khi đã theo dõi được chi tiêu, chúng ta sẽ biết được tình trạng tài chính hiện tại và dòng tiền hàng tháng của mình, từ đó chúng ta sẽ điều chỉnh chi tiêu một cách phù hợp và khoa học hơn.
Chúng ta cần điều chỉnh việc chi tiêu và quản lý được dòng tiền của mình, hạn chế các chi tiêu ở khoản lãng phí, cố gắng tăng thêm thu nhập để dùng nó phục vụ cho các hoạt động đầu tư phát triển nhằm tăng thêm thu nhập, phân bổ dòng tiền một cách hợp lý nhằm nhanh chóng đạt được mục tiêu tài chính.
Một số phương pháp quản lý chi tiêu phổ biến:
Bước 2: Thanh toán hết các khoản nợ xấu
Có 2 loại nợ là nợ tốt và nợ xấu, hiểu một cách đơn giản, nợ tốt là khoản nợ sẽ giúp chúng ta tạo ra được nhiều tiền hơn so với số tiền đi vay, trong khi nợ xấu thì ngược lại, nợ xấu là khoản nợ không giúp chúng ta tạo ra thêm tiền hoặc của cải tương đương.
Nếu chúng ta đang có một hoặc một vài khoản nợ xấu, điều đó đồng nghĩa rằng dòng tiền hiện tại của chúng ta đang âm khi hàng tháng chúng ta sẽ phải chi trả cho các khoản nợ.
Thanh toán các khoản nợ xấu (Ảnh: freepik)
Việc đầu tiên cần thực hiện để hướng tới tự do tài chính là thanh toán hết các khoản nợ xấu đang có, vì các khoản nợ xấu hàng tháng sẽ lấy đi một thu nhập của chúng ta, và thông thường lãi suất của các khoản nợ cũng sẽ lớn hơn so với lãi suất từ ngân hàng, nếu càng kéo dài các khoản nợ, chúng ta sẽ phải trả càng nhiều tiền lãi.
Thực hiện thanh toán hết các khoản nợ xấu sẽ giúp cải trạng thái tài chính của chúng ta ổn định và độc lập hơn khi thu nhập của chúng ta không bị hao hụt bởi nợ xấu và còn giúp chúng ta thoải mái hơn về tinh thần khi không bị áp lực từ nợ nần hàng ngày nữa.
Bước 3: Phân bổ dòng tiền
Sau khi đã thanh toán xong các khoản nợ xấu, tình trạng tài chính của chúng ta hiện nay là dòng tiền đã ở mức dương, đây chính là thời điểm để chúng ta bắt đầu con đường xây dựng tự do tài chính.
Khi chưa có các mục tiêu về tài chính, thông thường chúng ta sẽ không quan tâm tới dòng tiền, và việc này có hậu quả là hầu như mỗi tháng chúng ta sẽ tiêu hết tiền vào những khoản chi tiêu trong cuộc sống mà không có kiểm soát, cũng như không có những khoản để dành để thực hiện những mục tiêu tài chính lớn hơn.
Phân bổ dòng tiền (Ảnh: freepik)
Khi đã có những mục tiêu tài chính như việc đạt được tự do tài chính, chúng ta cần lập kế hoạch và phân bổ dòng tiền một cách khoa học để có thể kiểm soát được và có thể giúp chúng ta ứng phó những trường hợp khẩn cấp, những nhu cầu chi tiêu chính đáng trong cuộc sống, đồng thời cũng giúp chúng ta xây dựng được những nguồn thu nhập khác.
Tham khảo:
Lập quỹ khẩn cấp
Trong cuộc sống của chúng ta, có rất nhiều yếu tố bất ngờ có thể xảy ra mà chúng ta khó có thể dự đoán được trước, vì vậy, cách tốt nhất là chúng ta cần chuẩn bị để có thể ứng phó với các trường hợp đó nếu như nó xảy ra bằng cách tạo ra một quỹ khẩn cấp cho chính mình, quỹ này còn được gọi là quỹ dự phòng.
Quỹ khẩn cấp (hay quỹ dự phòng) là quỹ chỉ được dùng cho những những trường hợp khẩn cấp, ví dụ như bị mất việc, đau ốm, tai nạn...
Trong trường hợp nếu gặp những trường hợp nguy cấp mà chúng ta cần phải dùng quỹ khẩn cấp, sau khi đã vượt qua và ổn định được, chúng ta cần phải bổ sung lại cho quỹ khẩn cấp càng sớm càng tốt với mức độ ưu tiên cao nhất.
Lập quỹ khẩn cấp (Ảnh: freepik)
Cần bao nhiêu tiền cho quỹ khẩn cấp?
Điều này còn phụ thuộc vào mức chi tiêu hàng tháng của mỗi người, với bước 1 ở trên, khi đã theo dõi chi tiêu, chúng ta sẽ biết được số tiền tối thiểu mỗi tháng, đây là số tiền để chúng ta có thể sống được với các nhu cầu chi tiêu tối thiểu. Số tiền cho quỹ khẩn cấp lý tưởng là từ 6 - 12 tháng với mức chi tiêu tối thiểu.
Đây là quỹ chỉ dành cho những trường hợp khẩn cấp, chúng ta có thể tồn tại được từ 6-12 tháng từ lúc sự việc không như ý muốn xảy ra, ví dụ như bị mất việc, trong trường hợp này, thời gian từ 6-12 tháng hoàn toàn có thể giúp chúng ta tiếp tục sống với những nhu cầu cơ bản và có khả năng để tìm được một công việc thay thế khác và ổn định lại như lúc trước.
Lập quỹ chi tiêu
Quỹ chi tiêu là quỹ dành cho các khoản chi tiêu có dự kiến, nằm trong kế hoạch chi tiêu, ví dụ như đổi máy tính mới, mua máy ảnh phục vụ cho công việc hoặc sở thích, đi du lịch cùng gia đình vào cuối năm...
Đối với trường hợp việc chi tiêu đã nằm trong kế hoạch, chúng ta có thể biết được chính xác số tiền mình cần để sử dụng cho việc chi tiêu đó, và sẽ biết được cần thời gian bao lâu để có thể lấp đầy quỹ chi tiêu từ những nguồn thu nhập của mình, quỹ chi tiêu này có thể lập song song với quỹ đầu tư ở phía dưới vì chúng ta đã xác định được số tiền và thời gian cụ thể để làm đầy quỹ này.
Trong trường hợp chưa có kế hoạch chi tiêu trong năm thì cũng nên có một quỹ chi tiêu, lý tưởng là 3-6 tháng với mức chi tiêu tối thiểu, để có thể chủ động chi tiêu cho một số việc có thể có nhưng không phải là việc khẩn cấp.
Lập quỹ đầu tư
Quỹ khẩn cấp và quỹ chi tiêu ở trên là 2 quỹ sẽ giúp chúng ta ứng phó với các trường hợp khẩn cấp và một số chi tiêu phát sinh, mục tiêu của 2 quỹ đó nhằm phục vụ cho cuộc sống của chúng ta và chúng không mang lại lợi nhuận cho chúng ta, để đạt được tự do tài chính, đầu tư là một việc làm không thể thiếu, chính việc đầu tư này sẽ quyết định được chúng ta có đạt được tự do tài chính hay không.
Đầu tư là một hoạt động sẽ giúp mang lại nhiều tiền cho chúng ta, tuy nhiên đầu tư luôn luôn có rủi ro, không thể chắc chắn được việc đầu tư sẽ luôn luôn mang lại kết quả tốt liên tục cho chúng ta, vì vậy hoạt động đầu tư này cần phải được bắt đầu khi chúng ta đã phân bổ được tiền cho 2 quỹ ở trên.
Quỹ đầu tư là quỹ mà số tiền ở đó chúng ta sẽ dùng để đầu tư, đầu tư có rất nhiều loại, như đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản, đầu tư kinh doanh..., việc lập một quỹ đầu tư nhằm tách bạch dòng tiền dành cho sinh hoạt, tiêu dùng, kinh doanh và dòng tiền đầu tư.
Lập quỹ đầu tư (Ảnh: freepik)
Quỹ đầu tư này không có mức cố định như 2 quỹ ở trên, mà càng nhiều càng tốt, vì hoạt động đầu tư là hoạt động chính mà chúng ta cần quan tâm. Quỹ này là quỹ mà khi có thêm thu nhập từ bất kỳ nguồn nào, chúng ta cũng sẽ chuyển vào quỹ này để phục vụ cho hoạt động đầu tư.
Hoạt động đầu tư có thể xảy ra hàng tháng hoặc hàng quý, hàng năm, tuỳ vào lượng vốn đang có và tuỳ vào loại hình đầu tư. Ví dụ như đầu tư chứng khoán thì số tiền tối thiểu để đầu tư ít, tuy nhiên đối với đầu tư bất động sản thì cần một số vốn khá lớn nên chúng ta không thể đầu tư đều đặn từng tháng, mà tiền sẽ được tích luỹ ở quỹ đầu tư này để tới khi có cơ hội thì sẽ lấy tiền ở quỹ này đem đi đầu tư.
Ngoài ra, quỹ đầu tư có thể chia làm các quỹ nhỏ hơn nhằm phân bổ vốn cho các hoạt động đầu tư khác nhau, ví dụ như:
- Quỹ đầu tư bất động sản
- Quỹ đầu tư chứng khoán
- Quỹ đầu tư tiền mã hoá
Ví dụ mỗi tháng sau khi trừ đi hết chi tiêu, chúng ta có 30 triệu đồng để dành cho hoạt động đầu tư, có thể để vào quỹ đầu tư bất động sản 20 triệu, quỹ đầu tư chứng khoán 8 triệu, quỹ đầu tư tiền mã hoá 2 triệu.
Bước 4: Tăng thu nhập
Yếu tố chính quyết định tới việc tự do tài chính là việc thu nhập của chúng ta có cho phép chúng ta thực hiện các hoạt động đầu tư hay không, hay mức thu nhập chỉ đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của cuộc sống.
Ngoài ra, tự do tài chính là lúc nền tảng tài chính của chúng ta vững mạnh, điều này không phải ai cũng có thể làm được và nó đòi hỏi cần cả yếu tố thời gian cũng như số lượng, nếu mức thu nhập của chúng ta cho phép chúng ta mỗi tháng để dành ra được một phần nhỏ để dành cho đầu tư thì chúng ta cần thời gian rất dài để có thể đạt được tự do tài chính.
Tăng thu nhập (Ảnh: freepik)
Vì vậy việc tăng thu nhập và giảm chi tiêu là một yếu tố quyết định trong việc có đạt được tự do tài chính hay không, khi thu nhập tăng lên, chúng ta sẽ có nhiều tiền hơn dành cho việc đầu tư, từ đó nó sẽ giúp mang lại của cải cho chúng ta trong tương lai nhiều hơn và nhanh để đạt được tự do tài chính hơn, sau đây là một số cách có thể giúp chúng ta tăng thu nhập.
Nâng cao kiến thức chuyên môn
Đối với đại đa số chúng ta sau khi ra trường và đi làm thì đều có một công việc chính, và công việc đó là nguồn thu nhập chính của chúng ta, vì vậy tăng kiến thức chuyên môn sẽ giúp công việc chính hiện tại của chúng ta phát triển hơn, từ đó thu nhập từ công việc này cũng sẽ tăng lên đáng kể, đây là cách tăng thu nhập một cách chính đáng và sáng suốt đối với mọi người, bất kể công việc chính là chính là do chúng ta tự tạo ra (làm chủ) hay chúng ta đang đi làm thuê cho một công ty khác.
Các công ty ngày này luôn thiếu hụt nhân sự với kiến thức chuyên môn cao, vì vậy nên nâng cao kiến thức chuyên môn sẽ giúp chúng ta tăng thu nhập cao hơn, đồng thời cũng mở ra những cơ hội phát triển mới trong tương lai.
Xây dựng các nguồn thu nhập khác nhau
Ngoài công việc chính, chúng ta cũng có thể xây dựng các nguồn thu nhập khác nhau, đây là con đường mà hầu hết mọi người đạt tự do tài chính sử dụng.
Đa dạng hoá các nguồn thu nhập (Ảnh: freepik)
Việc xây dựng các nguồn thu nhập khác nhau ngoài việc tăng thu nhập, nó còn đảm bảo cho chúng ta luôn có những nguồn thu nhập khác nhau và không phải phụ thuộc vào một việc làm duy nhất, việc làm duy nhất một công việc chính mới thật sự là sự rủi ro khi hiện nay thị trường luôn luôn thay đổi một cách rất nhanh chóng, nên trong tương lai đôi khi công việc hoặc mô hình kinh doanh đó sẽ có thể không còn phù hợp nữa và sẽ phải thay đổi, việc đa dạng hoá các nguồn thu nhập sẽ giúp chúng ta có những sự bảo vệ nhất định.
Khi có các nguồn thu nhập khác nhau, đôi khi những công việc đó sẽ hỗ trợ cho nhau làm cho nguồn thu nhập từ các nguồn này sẽ càng nhiều hơn và mở rộng cơ hội kinh doanh cũng như thu nhập nhiều hơn cho chúng ta.
Bước 5: Đầu tư
Đây là bước cuối cùng trong các bước để đạt được tự do tài chính, đầu tư là hoạt động cần thiết để mang lại thu nhập về lâu dài và bền vững cho chúng ta, chúng ta đạt tự do tài chính khi mà thu nhập từ những hoạt động đầu tư mang lại thu nhập cao hơn so với chi tiêu của chúng ta, và từ đó giúp chúng ta không còn bận tâm về chuyện tiền bạc nữa.
Sau khi hoàn thành xong việc lập các quỹ an toàn tài chính, chúng ta nên bắt đầu ngay với bước này, chúng ta nên đầu tư càng sớm càng tốt để tận dụng được sức mạnh của lãi kép trong quá trình hướng tới mục tiêu tự do tài chính.
Hiện nay có nhiều hình thức đầu tư khác nhau, tuy nhiên, nên lưu ý rằng đầu tư là một hoạt động có tính rủi ro, chúng ta cần phải tìm hiểu thật kỹ và lường trước các rủi ro có thể gặp phải trước khi quyết định đầu tư.
Tham gia đầu tư (Ảnh: freepik)
Kênh đầu tư phổ biến và khá an toàn hiện nay chính là gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng và nhận lãi theo kỳ hạn, tuy nhiên, vì đây là hình thức an toàn nên hiệu suất đầu tư mang lại cũng sẽ không cao như các hình thức khác, lãi suất ngân hàng hiện nay trung bình từ 5-7% tuỳ ngân hàng, tuy nhiên, chúng ta cần phải tính thêm phần lạm phát, trượt giá để có thể tính được đúng tỷ lệ lãi thực, nếu lãi suất thấp hơn so với trượt giá, điều đó có nghĩa là chúng ta đang đầu tư lỗ. Điều này một lần nữa cho thấy việc đầu tư luôn luôn có tính rủi ro và có thể thua lỗ kể cả là kênh đầu tư an toàn là gửi tiền tiết kiệm.
Đầu tư vào hoạt động kinh doanh cũng là một hình thức đầu tư khá phổ biến, chúng ta có thể góp vốn hoặc tự làm chủ như mở một cửa hàng, lập ra một đội ngũ kinh doanh về một lĩnh vực mà mình có thế mạnh. Hoạt động kinh doanh này đòi hỏi chúng ta sẽ phải đầu tư nhiều công sức và tiền bạc, tuy nhiên nếu thành công thì kết quả của việc đầu tư sẽ mang lại thu nhập lớn cho chúng ta, đồng thời chúng ta cũng là người làm chủ nó, chúng ta hoàn toàn chủ động để tiếp tục phát triển và mở rộng chúng.
Ngoài ra còn có rất nhiều hình thức đầu tư khác nhau, phổ biến như đầu tư bất động sản, đầu tư chứng khoán, đầu tư tiền mã hoá, đầu tư vào những tác phẩm nghệ thuật, đầu tư vào những mặt hàng xa xỉ...
Tự do tài chính (Ảnh: freepik)
Tự do tài chính, với chữ tự do có nghĩa là khi đạt được nó, chúng ta không còn bị ràng buộc bởi tài chính nữa, tuy nhiên không phải ai cũng dễ dàng đạt được tự do tài chính bởi vì xuất phát điểm và tình trạng tài chính, thu nhập của mỗi người là khác nhau, từ đó thời gian và cách thức để đạt được tự do tài chính cũng khác nhau.
Trên đây là 5 bước cụ thể để đạt được tự do tài chính mà phần lớn mọi người đã làm theo và thành công, những bước đó là vạch ra một lộ trình hướng tới tự do tài chính, thay đổi suy nghĩ và hành động từ việc không có mục tiêu, kế hoạch tới việc có mục tiêu định hướng rõ ràng, mỗi người chúng ta cần điều chỉnh để phù hợp với bản thân.
Hành trình đạt được tự do tài chính không phải một sớm một chiều là có thể đạt được, với một số người thì sẽ mất 5 năm, 10 năm, với một số người khác thì mất từ 20 hoặc 30 năm, có người còn có thể không đạt được tự do tài chính đến hết đời, tuy nhiên, tôi tin rằng khi chúng ta đã có được kế hoạch rõ ràng, chúng ta sẽ biết mình cần phải làm gì để đạt được tự do tài chính và sẽ điều chỉnh việc chi tiêu một cách khoa học và thông minh hơn.
Chúc mọi người có được một hành trình tự do tài chính rõ ràng và sớm đạt được nó trong lương tai không xa.