Quản lý tài chính cá nhân với quy tắc 50/20/30
Quản lý tài chính cá nhân luôn là một nhiệm vụ đầy thách thức đối với mỗi cá nhân hoặc gia đình khi cần phải cân bằng giữa 3 yếu tố: Nhu cầu thiết yếu, chi tiêu linh hoạt theo nhu cầu và đầu tư sinh lời. Quy tắc 50/20/30 sẽ giúp bạn cân bằng giữa các yếu tố đó.
Quy tắc 50/20/30 là gì?
Quy tắc 50/20/30 được đề cập trong cuốn sách: "All your worth: The ultimate lifetime money plan" năm 2005 do thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, bang Massachusetts giới thiệu. Nguyên tắc 50/20/30 sẽ phân chia thu nhập sau thuế của bạn vào 3 nhóm chính:
- 50%: Các nhu cầu thiết yếu
- 20%: Tiết kiệm và đầu tư
- 30%: Chi tiêu linh hoạt theo mong muốn
Phân bổ chi tiêu với quy tắc 50/20/30 (Ảnh: MoneyLover)
50% thu nhập cho nhu cầu thiết yếu
Nhóm này bao gồm những khoản chi tiêu thiết yếu để sinh sống, học tập và làm việc, như tiền thuê nhà, nhu yếu phẩm, hoá đơn, đi lại, bảo hiểm…
Bạn cần lên kế hoạch và quản lý chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu này, sao cho tổng chi tiêu không lớn hơn 50% thu nhập. Nếu tiền chi cho nhóm thiết yếu lớn hơn 50% cần xem xét lại các khoản chi tiêu, cắt giảm các hoạt động không thực sự cần thiết.
20% thu nhập cho tiết kiệm và đầu tư
Nhóm này được sử dụng cho tiết kiệm cho tương lai, kết hợp đầu tư sinh lời. Bạn có thể có các quỹ tiết kiệm và đầu tư khác nhau, như quỹ khẩn cấp, quỹ hưu trí hoặc các khoản đầu tư khác nhau.
Bạn có thể hoàn toàn dành hết 20% thu nhập cho tiết kiệm, tuy nhiên, về dài hạn, chỉ tiết kiệm không thôi thì sẽ không hiệu quả bằng việc trích một phần từ khoản tiết kiệm đó ra để đầu tư, bạn cần sử dụng tiền để đầu tư sinh lời theo một hình thức phù hợp.
Một số chuyên gia thường khuyên bạn để dành ít nhất một khoản 3-6 tháng tiền cho nhu cầu thiết yếu, sau đó sẽ bắt đầu phân chia khoản tiền tiết kiệm cho việc đầu tư thay vì tiết kiệm hoàn toàn 100%. Những khoản đầu tư hiệu quả sẽ giúp bạn nhanh chóng đạt được tự do tài chính.
30% thu nhập cho những khoản chi tiêu linh hoạt
Đây là nhóm chi tiêu mà bạn nên dành sự ưu tiên cuối cùng, vì đây là nhóm bao gồm những khoản chi tiêu không phải là thiết yếu, ví dụ như đi du lịch, ăn uống nhà hàng, mua sắm và vui chơi...
Việc chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu, tiết kiệm và đầu tư là điều cần thiết, nhưng không thể bỏ qua những nhu cầu và sở thích cá nhân để có một cuộc sống trọn vẹn.
Quy tắc 50/20/30 phù hợp với những ai?
Nguyên tắc quản lý tài chính 50/20/30 được đánh giá khá hiệu quả và dễ dàng áp dụng với tất cả mọi người. Tuy nhiên phương pháp 50/20/30 phù hợp với những bạn trẻ mới bắt đầu đi làm và bắt đầu học cách quản lý tài chính cá nhân khi nó đáp ứng được nhu cầu thiết yếu chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập và cần những khoản chi tiêu linh hoạt cho cuộc sống thời hiện đại.
Quy tắc 50/20/30 sẽ rất dễ dàng với người đã đi làm lâu năm hoặc không có các khoản nợ tài chính, nhưng khi tài chính đã ổn định và mức lương lớn, 50% chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu không còn phù hợp nữa, khi đó nên cần có những quy tắc quản lý tài chính cá nhân khác phù hợp hơn hoặc nên chuyển phần dư đó sang phần tiết kiệm và đầu tư để có tài chính tương lai vững mạnh hơn.
Gợi ý: Ngoài quy tắc 50/30/20, một phương pháp quản lý tài chính khác cũng phổ biến không kém là Quản lý tài chính cá nhân với quy tắc 6 chiếc lọ.