Quản lý tài chính cá nhân với quy tắc 6 chiếc lọ

Ở bài viết trước, chúng ta đã tìm hiểu về phương pháp quản lý tài chính cá nhân với quy tắc 50/20/30, hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về phương pháp quản lý tài chính chi tiết hơn với quy tắc 6 chiếc lọ. 

Quy tắc 6 chiếc lọ là gì?

Quy tắc 6 chiếc lọ (JARS system) được giới thiệu bởi T. Harv Eker trong quyển sách “Bí mật tư duy triệu phú". Theo quy tắc 6 chiếc lọ, chúng ta sẽ chia tổng thu nhập chia thành 6 chiếc lọ như sau:

Quản lý tài chính với quy tắc 6 chiếc lọ

Quy tắc 6 chiếc lọ (Ảnh: pennycontrol.com)

Lọ số 1: Nhu cầu thiết yếu - NEC (55% thu nhập)

Chiếc lọ đầu tiên chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu nhập của chúng ta, dành cho những chu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày để đảm bảo cuộc sống. Bao gồm những chi tiêu như tiền thuê nhà, ăn uống, đi lại, hoá đơn điện nước, mua sắm cần thiết.

Trong trường hợp 55% thu nhập không đảm bảo được những nhu cầu thiết yếu thì chúng ta cần phải xem lại chi tiêu để cắt giảm bớt hoặc phải tìm cách tăng tổng thu nhập.

Ví dụ như dùng phương tiện đi lại cộng cộng, giảm bớt mua sắm nếu không thật sự cần thiết, tự nấu ăn ở nhà thay vì ăn uống bên ngoài. Hoặc tìm thêm một công việc bán thời gian.

Lọ số 2: Tiết kiệm dài hạn - LTS (10% thu nhập)

Chiếc lọ thứ 2 dành 10% tổng thu nhập cho việc tiết kiệm dài hạn để dành cho những mục tiêu dài hạn cho tương lai, ví dụ như mua nhà, mua xe, chuẩn bị tiền cho con học đại học, hoặc cho mục tiêu nghỉ hưu về sau.

Chiếc lọ này sẽ giúp cho bạn có đảm bảo tài chính về tương lai và có thái độ sống tích cực hơn khi bạn đã đạt được mục tiêu cho mình. Nếu chưa tìm được mục tiêu cụ thể thì khoản tiết kiệm dài hạn này sẽ giúp bạn có đủ nguồn vốn để sử dụng khi đã xác định được mục tiêu cho mình.

Cách tốt nhất để bảo vệ chiếc lọ này không bị xâm phạm là gửi tiết kiệm và nên thực hiện ngay khi nhận được thu nhập, từ đó sẽ tránh được tiêu vào số tiền này. Hiện nay rất nhiều ngân hàng đã có chức năng tiết kiệm thông minh sau khi nhận lương trên hệ thống, bạn có thể sử dụng cách này cho việc tiết kiệm dài hạn.

Lọ số 3: Giáo dục - EDU (10% thu nhập)

Chiếc lọ thứ 3 dành 10% tổng thu nhập để đầu tư vào những thứ giúp phát triển bản thân. Phát triển bản thân ở đây gồm nhiều khía cạnh như: sức khỏe, kiến thức, kỹ năng xã hội... Đó có thể là sách, các khóa học trực tuyến, ứng dụng giúp học ngôn ngữ, giao tiếp.

Lọ số 3: 10% cho giáo dục

“Nếu bạn đang không phát triển, thì bạn đang chết dần đi!” –  T Harv Eker (Ảnh: @freepik / freepik.com)

Đây là một trong những khoản quan trọng nhất vì được đầu tư trực tiếp vào bản thân mình, là khoản đầu tư khôn ngoan và lợi nhuận nhất, từ đó có thể tạo ra nhiều thu nhập hơn.

Lọ số 4: Tự do tài chính - FFA (10% thu nhập)

Mục đích sau cùng của việc quản lý tài chính là hướng tới tự do tài chính, lọ số 4 này dành 10% tổng thu nhập của bạn để dùng đầu tư vào những thứ giúp chúng ta sinh ra thu nhập như: Bất động sản, chứng khoán, góp vốn kinh doanh...

Hãy liên tục tích trữ 10% thu nhập của mình vào lọ này và dùng nó để đầu tư khi có cơ hội, khi những thứ bạn đầu tư từ lọ này sinh ra lợi nhuận, bạn có thể dùng lợi nhuận sinh ra đó để tái đầu tư hoặc có thể dùng để chi tiêu, nhưng lưu ý không được chi tiêu tiền gốc trong lọ này.

Lọ số 5: Hưởng thụ - PLAY(10% thu nhập)

Nếu chỉ chăm chăm làm việc và tiết kiệm mà không hưởng thụ cuộc sống, dần dần bạn sẽ mất đi động lực và sẽ khó tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, lọ số 5 nhằm giải quyết vấn đề đó.

Hãy dành 10% tổng thu nhập cho việc giải trí thư giãn và nuông chiều bản thân. Nó sẽ giúp bạn có nhiều năng lượng hơn để làm việc tốt hơn. Ví dụ như du lịch, gặp gỡ bạn bè, một bữa ăn ngon tại nhà hàng yêu thích, mua món đồ mà bạn thích… Nếu có một khoản chi tiêu cụ thể mà một tháng tiền của lọ này không đủ, bạn có thể tích lũy đến 3 tháng để dùng.

Lọ số 6: Cho đi - GIVE (5% thu nhập)

Cho đi 5% thu nhập

Đóng góp cho cộng đồng (Ảnh: @freepik / freepik.com)

Đây là điều mà nhiều người trong chúng ta thường hay bỏ quên, chúng ta nên dành ra ít nhất 5% thu nhập của mình để cho đi, làm từ thiện, giúp đỡ cộng đồng, bạn bè, người thân… Khi chúng ta cho đi, cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn, chúng ta sẽ thấy cuộc đời này đáng sống hơn và sẽ làm cho tâm hồn của bạn thoải mái hơn. Và biết đâu khi mọi thứ tốt đẹp hơn, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn trong tương lai.

Quy tắc 6 chiếc lọ phù hợp với những ai?

Quy tắc 6 chiếc lọ phù hợp với những bạn trẻ ở xã hội hiện nay, những người muốn quản lý tài chính cá nhân của mình một cách hiệu quả và chi tiết, nó giúp cho chúng ta biết phân bổ thu nhập vào những mục cụ thể để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, song song với đó là đầu tư cho tương lai, đầu tư cho bản thân mình để phát triển bản thân, gia tăng thêm thu nhập.

Tuy nhiên, đối với những người đã đi làm lâu năm và có thu nhập cao, chúng ta vẫn giữ cách chia tổng thu nhập của mình vào 6 chiếc lọ, linh hoạt thay đổi tỷ lệ phân bổ tiền các lọ, giảm bớt tỷ lệ ở nhóm nhu cầu thiết yếu và hưởng thụ, nâng cao tỷ lệ ở lọ tiết kiệm, giáo dục và tự do tài chính.