Hướng dẫn phân loại các hoạt động chi tiêu và thu nhập

Trong quản lý tài chính cá nhân, việc theo dõi và phân loại các hoạt động chi tiêu và thu nhập là một điều bắt buộc. Việc quản theo dõi và phân loại các hoạt động chi tiêu hay thu nhập sẽ giúp chúng ta hiểu được dòng tiền của mình hiện tại đang như thế nào để điều chỉnh cân đối thu chi một cách hợp lý và khoa học hơn.

Tuy nhiên, đối với hầu hết những người trẻ, họ chưa ý thức được việc theo dõi và phân loại các hoạt động chi tiêu này quan trọng như thế nào, cũng như chưa biết cách để phân loại các hoạt động chi tiêu và thu nhập một cách hợp lý.

Hôm nay, chúng tôi sẽ đưa ra hướng dẫn phân loại các hoạt động chi tiêu và thu nhập của cá nhân nhằm giúp mọi người có thể tham khảo và tự phân loại các hoạt động chi tiêu và thu nhập cho bản thân mình một cách khoa học và hợp lý.

Tại sao cần phải phân loại các hoạt động chi tiêu và thu nhập?

Khi đã ghi chép lại đầy đủ tất cả những hoạt động chi tiêu và thu nhập hàng ngày, chúng ta đã thành công trong một bước rất quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân, từ đây chúng ta sẽ biết mỗi ngày mình sẽ chi tiêu cho những khoản nào, những khoản đó có hợp lý hay không.

Tuy nhiên, chỉ việc ghi chép lại thôi thì vẫn chưa đủ, chúng ta cần phải phân loại theo nhóm các hoạt động chi tiêu và thu nhập này, nhằm có một cách nhìn tổng quan về hoạt động thu chi của bản thân, từ đó chúng ta sẽ điều chỉnh việc chi tiêu một cách khoa học hơn và có thể giảm được những khoản chi tiêu lãng phí hoặc không cần thiết.

Cách phân loại các hoạt động chi tiêu

Hoạt động chi tiêu là một điều không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, việc phân loại theo nhóm một cách hợp lý sẽ giúp chúng ta biết những khoản chi tiêu nào là không hợp lý và cần điều chỉnh để cải thiện tình trạng tài chính hiện tại.

Phân loại các hoạt động chi tiêu

Phân loại các hoạt động chi tiêu

Sau đây là cách phân loại theo nhóm các loại chi tiêu cá nhân.

Nhóm thiếu yếu

Đây là nhóm gồm những khoản chi tiêu bắt buộc phải chi tiêu, không chi không được vì nếu không chi tiêu thì không thể đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cơ bản trong cuộc sống cũng như làm giảm chất lượng cuộc sống của chúng ta.

Danh sách những khoản chi tiêu nằm trong nhóm thiết yếu bao gồm:

  • Thuê nhà
  • Ăn uống hàng tháng
  • Các hoá đơn cố định như: Tiền điện, tiền nước, tiền internet, tiền gas…
  • Tiền trả nợ
  • Mua sắm thiết yếu
  • Chăm sóc sức khỏe
  • Đổ xăng
  • Trả lãi vay (nếu có)
  • Phí ngân hàng

Nhóm phát sinh

Đây là nhóm gồm những chi tiêu không cố định và thường phát sinh tuỳ vào tình huống cụ thể, những hoạt động chi tiêu này không phải là những chi tiêu thuộc dạng thiết yếu, đồng thời cũng không phải là chi tiêu lãng phí, tuy nhiên nó là những khoản chi tiêu cần phải có trong cuộc sống của chúng ta.

Danh sách những khoản chi tiêu nằm trong nhóm phát sinh bao gồm:

  • Tiền lì xì / mừng tuổi năm mới
  • Cưới hỏi
  • Tang lễ
  • Quà tặng sinh nhật
  • Thôi nôi (đầy tháng)
  • Từ thiện
  • Tiền quỹ gia đình
  • Tiền quỹ công ty
  • Di chuyển: Grab, taxi, xe bus, tàu hoả…
  • Mua sắm đồ trong gia đình: Mua quạt, bóng đèn, bàn học…
  • Sửa chữa đồ dùng trong gia đình: Thay bóng đèn hỏng, sửa chữa quạt, sửa hoặc bảo dưỡng xe cộ…
  • Tiền mua sách
  • Tiền mua khoá học
  • Tiền thưởng: Thưởng nhân viên phục vụ bàn, lễ tân khách sạn…
  • Các phát sinh khác

Nhóm tăng trưởng

Đây là nhóm gồm những hoạt động chi tiêu nhằm mục đích làm cho tiền của chúng ta sẽ sinh ra tiền hoặc của cải tương đương, tuy nhiên lưu ý rằng không phải bao giờ đầu tư tiền vào nhóm tăng trưởng cũng sẽ mang lại tiền cho chúng ta, điều đó còn phụ thuộc vào kiến thức và chiến lược đầu tư của chúng ta.

Danh sách những khoản chi tiêu nằm trong nhóm tăng trưởng bao gồm:

  • Gửi tiết kiệm ngân hàng
  • Cho vay lấy lãi
  • Đầu tư kinh doanh
  • Đầu tư chứng khoán
  • Đầu tư tiền mã hoá
  • Các khoản đầu tư khác

Nhóm lãng phí

Đây là nhóm những khoản chi tiêu mà có cũng được, không cũng được và không ảnh hưởng tới cuộc sống cá nhân của chúng ta, tuy nhiên cuộc sống xã hội ngày nay đòi hỏi chúng ta phải có những khoản chi tiêu này nhằm mục đích tận hưởng cuộc sống, kết giao bạn bè, vì vậy chúng ta không thể không chi tiêu cho những hoạt động này.

Tuy nhiên, đây là nhóm chi tiêu mà chúng ta cần phải xem xét và hạn chế tối đa những chi tiêu ở nhóm này để dành tiền cho những mục đích tài chính cá nhân lâu dài hơn.

Danh sách những khoản chi tiêu nằm trong nhóm lãng phí bao gồm:

  • Mua sắm: Khác với mua sắm thiết yếu, đây là mua sắm theo sở thích và chưa thật sự cần thiết
  • Ăn uống bên ngoài: Nhà hàng, tiệc tùng
  • Cà phê
  • Ăn kem
  • Xem phim
  • Tụ tập bạn bè: Đi nhậu, uống bia
  • Du lịch
  • Giải trí: Tiền mua game, đĩa nhạc, đăng ký Netflix, Spotify…
  • Người yêu
  • Các khoản lãng phí khác

Cách phân loại các hoạt động thu nhập

Thu nhập là một phần tất yếu của mỗi chúng ta, để chi tiêu, chúng ta cần phải có thu nhập, thông thường đối với một người phần thu nhập chính tới từ công việc chính, tuy nhiên, thời đại ngày nay giúp cho chúng ta có nhiều cơ hội để có thể đa dạng được nguồn thu nhập, vì vậy chúng ta cũng cần phải phân loại các hoạt động thu nhập để có thể quản lý được nó một cách hợp lý hơn.

Nhóm thu nhập cố định

Đây là nhóm những khoản thu nhập cố định mà chúng ta đã biết trước, ví dụ như thu nhập từ công ty và các hoạt động khác của bản thân mà chúng ta biết chắc sẽ có.

Danh sách những khoản thu nhập nằm trong nhóm thu nhập cố định bao gồm:

  • Lương cố định
  • Lương từ công việc bán thời gian
  • Tiền thưởng dự án
  • Tiền thưởng cuối năm
  • Tiền lãi ngân hàng

Nhóm thu nhập không cố định

Đây là nhóm những khoản thu nhập không cố định mà chúng ta không biết trước, ví dụ như chúng ta làm thêm freelance, khi có được dự án thì chúng ta sẽ có thu nhập, tuy nhiên khi hết dự án thì chúng ta không chắc tới bao giờ mới lại có dự án để làm tiếp, vì vậy đây là khoản thu nhập không có định. Một số hoạt động mua sắm trên các trang thương mại điện tử ngày này có thể có các chương trình hoàn tiền mua sắm, đây cũng là một hoạt động thu nhập không cố định.

Thu nhập từ công việc làm thêm

Thu nhập từ công việc làm thêm (Ảnh: freepik)

Danh sách những khoản thu nhập nằm trong nhóm thu nhập không cố định bao gồm:

  • Thu nhập từ công việc làm thêm
  • Bán đồ cũ
  • Hoàn tiền mua sắm
  • Lợi nhuận đầu tư
  • Khoản thu khác

Trên đây là cách phân loại các hoạt động chi tiêu và thu nhập cá nhân thành các nhóm cụ thể một cách rõ ràng và thống nhất, nhằm giúp chúng ta có cái nhìn tổng quát về hoạt động chi tiêu và thu nhập hàng tháng, từ đó có thể điều chỉnh một cách phù hợp với điều kiện và tình trạng tài chính cá nhân, đây là một bước khởi đầu trong các bước cụ thể để đạt được tự do tài chính.

Mỗi người sẽ có những khoản thu nhập và chi tiêu khác nhau nên danh sách các khoản chi tiêu hay thu nhập cũng sẽ khác nhau, vì vậy cần phải điều chỉnh để phù hợp với từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên, chúng tôi mong rằng với hướng dẫn trên đây sẽ giúp cho người đọc có thể tham khảo để xây dựng và phân loại các nhóm cho riêng mình một cách tối ưu và khoa học nhất.

© 2021 - 2025 LaiNganHang