Độc lập tài chính, Nghỉ hưu sớm - FIRE
Ngày nay, khi kiến thức tài chính cá nhân ngày càng được nhiều người quan tâm và tìm hiểu hơn, một xu hướng đang phát triển rất mạnh mẽ ở Việt Nam là xu hướng độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm - FIRE (Financial Independence, Retire Early). Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về xu hướng FIRE trong bài viết sau đây.
Độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm - FIRE là gì?
FIRE là viết tắt của cụm từ Financial Independence, Retire Early, có nghĩa là: Độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm. Khái niệm FIRE được bắt nguồn từ cuốn sách Your or Your Life (tạm dịch: Tiền của bạn hay cuộc sống của bạn) của Vicki Robin và Joe Dominguez.
FIRE là một lối sống với mục tiêu độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm, thay vì lối sống truyền thống là phải đi làm cho tới tuổi nghỉ hưu, từ đó rút ngắn khoảng thời gian phải làm việc như thông thường xuống và đạt được tuổi nghỉ hưu sớm hơn.
Để làm được điều đó, chúng ta cần tối đa hóa tỷ lệ tiết kiệm thông qua việc tăng thu nhập và giảm chi phí, đồng thời phải đầu tư nhằm tăng sự giàu có và thu nhập của mình. Mục tiêu là tích lũy tài sản cho đến khi thu nhập thụ động tạo ra chi phí sinh hoạt đủ để nghỉ hưu.
Độc lập tài chính (Ảnh: freepik.com)
Độc lập tài chính
Độc lập tài chính có nghĩa là chúng ta đã thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào tiền bạc, chúng ta không còn phụ thuộc vào công việc, vào tiền lương hay vào bất cứ người nào khác mà vẫn có đủ tiền để chi trả cho cuộc sống hàng ngày. (Xem thêm: Tự do tài chính hay Độc lập tài chính).
Quy tắc 4% là một quy tắc nhằm giúp một người có thể tính toán được số tiền cần có để có thể xác định mình đã độc lập tài chính hay chưa. Quy tắc 4% chỉ ra rằng nhà đầu tư có thể rút ra đều đặn 4% mỗi năm từ danh mục đầu tư của mình thì vẫn không hết tiền trong vòng khoảng 30 năm.
Nghỉ hưu sớm
Nghỉ hưu là một việc không còn xa lạ với xã hội hiện đại, nghỉ hưu là khi người lao động dừng làm việc sau một thời gian làm việc và cống hiến và đến độ tuổi nghỉ hưu. Hàng tháng nhận được tiền lương hưu từ những đóng góp của mình ở độ tuổi lao động.
Nghỉ hưu sớm có một chút khác biệt khi chúng ta có thể sẽ không đạt được những phúc lợi như hưởng lương hưu một cách đều đặn như việc nghỉ hưu bình thường, tuy nhiên, nghỉ hưu sớm ở đây là vế sau của việc độc lập tài chính, có nghĩa là chúng ta nghỉ hưu nhưng vẫn có đủ tiền để trang trải cho cuộc sống mà không cần thiết phải đi làm nữa.
Nghỉ hưu sớm cũng không có nghĩa là chúng ta sẽ chỉ nghỉ ngơi và không làm bất cứ việc gì nữa, mà nghỉ hưu sớm ở đây sẽ giúp chúng ta có nhiều thời gian hơn để được làm những thứ mình yêu thích, như sở thích cá nhân, những kế hoạch hoặc dự định đã có mà không còn bị phụ thuộc vào công việc, công ty hoặc bất cứ người nào khác. Đôi khi nghỉ hưu sớm còn giúp chúng ta phát triển vượt bậc trong công việc khi chúng ta có thể dành toàn bộ công sức và thời gian cho công việc mà mình yêu thích và đam mê.
Các mô hình FIRE
Ngày nay, có một số mô hình FIRE khác nhau và nó sẽ phù hợp với từng đối tượng khác nhau, sau đây là những mô hình FIRE phổ biến:
Nghỉ hưu sớm - FIRE (Ảnh: Freepik)
- Lean FIRE: Hướng tới đến khả năng nghỉ hưu càng sớm càng tốt với mức tích lũy thấp hơn và chi phí sinh hoạt vừa đủ sẽ đòi hỏi một lối sống thanh đạm trong thời gian nghỉ hưu
- Fat FIRE: Ngược lại với Lean FIRE, Fat FIRE là nghỉ hưu sớm với một lượng lớn tài sản tích lũy và thu nhập thụ động mà không phải lo lắng về chi phí sinh hoạt.
- Barista FIRE: Là sự kết hợp giữa hai loại FIRE ở trên, một lối sống bán thời gian bán nghỉ hưu để kiếm thêm thu nhập hoặc nghỉ hưu hoàn toàn nhưng với một người bạn đời vẫn tiếp tục làm việc
Các bước để đạt được Độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm - FIRE
Khi đã biết được định nghĩa và những tác dụng tích cực của việc Độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm - FIRE mang lại, chúng ta cần lập kế hoạch và có hành động để đạt được nó, sau đây là những bước cơ bản để đạt được FIRE:
Bước 1: Thanh toán hết toàn bộ nợ nần
Các khoản nợ sẽ lấy bớt đi một khoản của thu nhập hàng tháng, từ đó nó sẽ làm giảm việc để dành tiền cho các mục tiêu khác, cho nên ưu tiên đầu tiên của chúng ta là cần thanh toán các khoản nợ để có thể dành phần lớn tiền cho bước 4, tiết kiệm và đầu tư để đạt được mục tiêu độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm.
Ngoài ra, một số khoản nợ có thể có thêm phần lãi vay, nên việc thanh toán các khoản nợ càng sớm càng tốt sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được số tiền phải trả cho lãi vay đó, nên đây là bước ưu tiên hàng đầu.
Bước 2: Tính toán số tiền độc lập tài chính
Với quy tắc 4% ở trên, số tiền cần thiết để có thể độc lập tài chính có giá trị tối thiểu gấp 25 lần chi phí sinh hoạt hàng năm. Chúng ta cần lập kế hoạch theo dõi chi tiêu để biết được chi phí sinh hoạt hàng năm của chúng ta là bao nhiêu, sau đó nhân nó lên với 25 lần, công thức để tính được số tiền cần thiết là:
Số tiền cần = Số tiền tiêu hàng năm x 25
Phân loại thành các nhóm khác nhau (Ảnh: MoneyLover)
Ví dụ: Chi tiêu tối thiểu hàng năm của chúng ta là 180 triệu đồng/năm (15 triệu đồng/tháng), thì số tiền cần có để đạt được độc lập tài chính là:
4,500,000,000 (4 tỷ 500 triệu đồng) = 180,000,000 x 25
Lưu ý: Chúng ta cần phải tính toán con số chi tiêu hàng năm cao hơn một chút, vì trong tương lai, số tiền cần thiết để chi tiêu sẽ lớn hơn hiện tại do ảnh hưởng của lạm phát.
Bước 3: Cắt giảm chi tiêu, gia tăng thu nhập
Mục tiêu của chúng ta là độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm, để đạt được mục tiêu nghỉ hưu sớm, để đạt được mục tiêu đó chúng ta cần phải tiêu hợp lý và khoa học hơn, cắt giảm những khoản chi tiết không cần thiết và để dành các khoản đó cho mục tiêu tài chính như tiết kiệm và đầu tư.
Chúng ta có thể hạn chế và cắt giảm bớt các khoản chi tiêu trong danh mục chi tiêu lãng phí như: Giảm tần suất cho các hoạt động như tụ tập bạn bè, ăn uống ngoài nhà hàng, mua sắm không cần thiết, du lịch...
Ngoài việc cắt giảm chi tiêu, gia tăng thu nhập là một cách để giúp chúng ta đạt được độc lập tài chính sớm hơn, chúng ta có thể gia tăng thu nhập bằng cách phát triển kỹ năng chuyên môn, làm thêm một số công việc bán thời gian...
Mục tiêu của việc cắt giảm chi tiêu và gia tăng thu nhập là để dành được từ 50 - 75% thu nhập của mình dành cho mục tiêu độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm, vậy tại sao tỷ lệ tiết kiệm nên là từ 50 - 75% thu nhập?
Mức tiết kiệm tiêu chuẩn được các chuyên gia tài chính khuyến cáo là từ 10 - 15% cho các kế hoạch tài chính cá nhân thông thường, tuy nhiên tỷ lệ càng nhiều thì việc đạt được độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm càng tới sớm hơn. Sau đây là tỷ lệ tiết kiệm và thời gian tương ứng cho 1 năm chi phí sinh hoạt:
- Tỷ lệ tiết kiệm 10%, cần (1 - 0,1)/0,1 = 9 năm lao động để tiết kiệm cho 1 năm chi phí sinh hoạt
- Tỷ lệ tiết kiệm 25%, cần (1 - 0,25)/0,25 = 3 năm lao động để tiết kiệm cho 1 năm chi phí sinh hoạt
- Tỷ lệ tiết kiệm 50%, cần (1 - 0,5)/0,5 = 1 năm lao động để tiết kiệm cho 1 năm chi phí sinh hoạt
- Tỷ lệ tiết kiệm 75%, cần (1 - 0,75)/0,75 = 1/3 năm (4 tháng) lao động để tiết kiệm cho 1 năm chi phí sinh hoạt
Với tỷ lệ tiết kiệm 50%, chúng ta sẽ cần 25 năm, với tỷ lệ tiết kiệm là 75%, chúng ta sẽ cần 10 năm để đạt được tích lũy gấp 25 lần chi phí sinh hoạt và đạt được độc lập tài chính. Với mức tiết kiệm thấp hơn, thì chúng ta cũng đạt được độc lập tài chính, nhưng về phần nghỉ hưu sớm sẽ không còn đúng nữa khi thời gian nghỉ hưu so với bình thường cũng sẽ không sớm hơn là bao nhiêu, vì vậy tỷ lệ tiết kiệm để đạt được FIRE nên là từ 50 - 75% thu nhập.
Bước 4: Tích lũy và đầu tư
Sau khi đã có con số cụ thể cho tỷ lệ tiết kiệm cụ thể, chúng ta cần bắt tay ngay vào hành động, thay vì để tiền đứng yên một chỗ, chúng ta cần biết tích lũy và đầu tư số tiền đó để khai thác nó hiệu quả hơn, nhắm làm cho số tiền đó không ngừng sinh sôi và tạo ra thu nhập cho chúng ta,. Đạt được độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm không phải là chuyện một sớm một chiều, chúng ta cần tích luỹ và đầu tư trong thời gian dài, chúng ta có thể sử dụng được sức mạnh của lãi kép để phát huy hiệu quả của việc tích luỹ và đầu tư.
Ở Việt Nam hiện nay, lãi suất ngân hàng thường dao động từ khoảng 6 - 10%/năm (chưa trừ đi lạm phát) khi gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng, đây là một kênh tích lũy và đầu tư khá an toàn và linh hoạt, có thể giúp chúng ta nhận được thu nhập thụ động thông qua lãi suất định kỳ với rủi ro rất thấp.
Tích luỹ và đầu tư - FIRE (Ảnh: Freepik)
Ngoài việc gửi tiết kiệm ở ngân hàng, chúng ta cũng nên phân bổ danh mục đầu tư vào các kênh đầu tư khác như chứng khoán, chứng chỉ quỹ, bất động sản hoặc các hoạt động kinh doanh khác, nhằm mục tiêu đa dạng hóa danh mục và mang lại tỷ suất sinh lời tốt hơn trong thời gian dài, sau đây là một số thị trường mà những người theo FIRE thường hay sử dụng:
- Đầu tư vào thị trường chứng khoán: Đầu tư chứng khoán là phương pháp mà nhiều người theo FIRE áp dụng. Lý do là vì đầu tư chứng khoán có thể bắt đầu với số vốn nhỏ, dễ tiếp cận, chi phí thấp, đồng thời có thể đa dạng danh mục đầu tư một cách dễ dàng. Nếu không có thời gian để lựa chọn cổ phiếu, nhà đầu tư có thể đầu tư chứng chỉ quỹ. Để danh mục chứng khoán mang lại hiệu quả, nhà đầu tư cần đầu tư và nắm giữ trong thời gian dài, việc tích lũy cho độc lập tài chính cũng cần thời gian khá dài, thông thường từ 10 - 20 năm theo phương pháp đầu tư giá trị, danh mục đầu tư chứng khoán phát huy hiệu quả rất tốt trong khoảng thời gian này với chi phí thấp, ngoài ra, đầu tư chứng khoán cũng giúp nhà đầu tư có thể thu nhập thụ động thông qua việc nhận cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu
- Đầu tư vào thị trường bất động sản: Đầu tư vào thị trường bất động sản cũng là một lựa chọn rất tốt cho việc đầu tư lâu dài, tuy nhiên đầu tư vào thị trường bất động sản sẽ cần số vốn ban đầu khá lớn, vì vậy cần sự tính toán kỹ lưỡng và chuẩn bị nguồn vốn và cần có thu nhập ổn định để trả lãi vay trong trường hợp có vay nợ. Chúng ta có thể mua nhà rồi cho thuê lại, trường hợp tốt nhất là thu nhập từ việc cho thuê sẽ trả đủ chi phí vay và có thêm một phần thu nhập, nếu không thì chúng ta cần phải có nguồn thu nhập ổn định để bù đắp cho việc trả lãi vay hàng tháng. Theo quy luật chung, giá bất động sản thường sẽ tăng theo chu kỳ từ 5 - 10 năm, khi đó, chúng ta cũng đã trả xong phần nợ cho bất động sản đó, chúng ta đã có một tài sản lớn và tài sản đó còn mang lại thu nhập thụ động hàng tháng cho chúng ta một cách hiệu quả và bền vững
- Đầu tư vào các hoạt động kinh doanh: Thị trường tài chính, kinh tế hoạt động với vô vàn các hoạt động kinh doanh, nếu chúng ta có doanh nghiệp hoặc các mô hình hoạt động kinh doanh của mình, chúng ta có thể đầu tư để phát triển và mở rộng. Ngoài ra, chúng ta có thể góp vốn vào các hoạt động kinh doanh của những người khác như bạn bè hoặc một số tổ chức, doanh nghiệp đang gọi vốn mà chúng ta đã tìm hiểu kỹ và thấy có tiềm năng mang lại thu nhập tốt trong tương lai
Bước 5: Lập kế hoạch sau khi nghỉ hưu sớm
Sau khi thực hiện được 4 bước ở trên, chúng ta đã đạt được độc lập tài chính và có thể nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, đôi khi việc nghỉ hưu lại không giống như tưởng tượng của chúng ta khi chưa đạt được nó.
Lập kế hoạch sau khi nghỉ hưu - FIRE (Ảnh: Freepik)
Nghỉ hưu giúp chúng ta có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, do đó, nó cũng có thể mang lại sự chán nản và mất đi động lực và mục tiêu của chính mình, vì vậy, việc xác định và lập kế hoạch sau khi nghỉ hưu cũng là một bước rất cần thiết, nó sẽ giúp chúng ta có thể biết rõ mình cần gì và muốn gì, nó sẽ là kim chỉ nam cần thiết giúp cho chúng ta khỏi bị lạc mất phương hướng, đồng thời cũng là động lực trong quá trình nỗ lực với 4 bước ở trước để đạt được mục tiêu là độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm.
Hi vọng với bài viết trên, chúng tôi đã cung cấp cho bạn đọc một cách tổng quan về khái niệm và các bước để đạt được Độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm - FIRE, chúc bạn đọc có thể lập được kế hoạch của chính mình và sớm đạt được Độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm.