Phương pháp đầu tư giá trị

Thị trường chứng khoán là một kênh đầu tư hấp dẫn, tuy nhiên, song song với tiềm năng thì cũng có nhiều rủi ro khi giao dịch chứng khoán, vì vậy, những nhà đầu tư lâu năm và nhiều kinh nghiệm đã đúc kết và sáng tạo cho mình một số phương pháp đầu tư nhằm mục đích đầu tư có hiệu quả hơn.

Một phương pháp đầu tư khá nổi tiếng và phổ biến được biết đến là phương pháp đầu tư giá trị và nhà đầu tư nổi tiếng thành công với phương pháp này là tỷ phú Warren Buffett, chủ tịch tập đoàn Berkshire Hathaway.

Hãy cùng chúng tôi đi sâu tìm hiểu những đặc điểm của phương pháp đầu tư giá trị này.

Phương pháp đầu tư giá trị là gì? 

Định nghĩa phương pháp đầu tư giá trị theo Wikipedia như sau:

Đầu tư giá trị là một phong cách đầu tư liên quan đến việc mua những loại cổ phiếu có mức giá thấp hơn giá trị thực thông qua một số hình thức phân tích cơ bản. Các hình thức đầu tư giá trị tuy khác nhau nhưng đều bắt nguồn từ triết lý đầu tư được giảng dạy lần đầu bởi Benjamin Graham và David Dodd tại Trường Kinh doanh Columbia vào năm 1928, sau đó các lý thuyết của phương pháp đầu tư này được phát triển thêm trong cuốn sách Phân tích Chứng khoán của họ vào năm 1934.

Nói một cách ngắn gọn, đầu tư giá trị được hiểu là: Đầu tư giá trị là việc chọn cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt nhưng thị giá thấp hơn giá trị thực của nó. Nhà đầu tư theo trường phái này tin rằng, giá cổ phiếu sẽ tăng và trở về đúng giá trị của cổ phiếu và nhờ đó họ có lãi.

Phương pháp đầu tư giá trị là gì?

Phương pháp đầu tư giá trị là gì? (Ảnh: freepik)

Để hiểu rõ hơn về phương pháp đầu tư giá trị, nhà đầu tư có thể đọc cuốn sách Nhà đầu tư thông minh nổi tiếng của Benjamin Graham, cuốn sách này luôn được tái bản để cập nhật một số thông tin kết quả đầu tư, và nêu rõ được cốt lõi của phương pháp đầu tư giá trị.

5 nguyên tắc cơ bản của đầu tư giá trị

1. Mỗi cổ phiếu đều có một giá trị nội tại (intrinsic value)

Khái niệm giá trị nội tại xuất phát từ việc mỗi cổ phiếu là đại diện cho một phần quyền sở hữu trong công ty. Với vị thế là cổ đông hay chủ sở hữu của công ty, nhà đầu tư có quyền được phân chia lợi nhuận và hưởng những lợi ích khác mà hoạt động kinh doanh của công ty tạo ra. Do đó, nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu sẽ nhận được một dòng tiền và các lợi ích khác trong tương lai mà công ty đó mang lại.

Tổng giá trị của dòng tiền và lợi ích đó quy về hiện tại chính là giá trị nội tại của cổ phiếu.

2. Luôn luôn mua cổ phiếu ở một mức biên độ an toàn (margin of safety)

Mua cổ phiếu với giá rẻ mang đến cho nhà đầu tư cơ hội sinh lời tốt hơn khi bán, đồng thời nó cũng hạn chế khả năng bị mất nhiều tiền nếu cổ phiếu đó không hiệu quả như đã kỳ vọng, nguyên tắc này được gọi là biên độ an toàn.

Nhà đầu tư thông thái luôn là người muốn mua được cổ phiếu ở mức giá thấp hơn đáng kể so với giá trị của nó, thường chỉ xuất hiện khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng khủng hoảng. Mức chênh lệch thấp hơn đó chính là biên độ an toàn, tức là một khoảng cách an toàn để phòng ngừa rủi ro giá trị nội tại của cổ phiếu bị sụt giảm so với giá trị tại thời điểm nhà đầu tư mua vào. Tùy vào mức độ thận trọng, mỗi nhà đầu tư chấp nhận một mức biên độ an toàn khác nhau.

3. Giả thuyết thị trường hiệu quả là không chính xác

Giả thuyết thị trường hiệu quả cho rằng giá cả thị trường của cổ phiếu luôn phản ánh đầy đủ những lợi ích hiện tại và tương lai mà những người nắm giữ cổ phiếu sẽ nhận được.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư giá trị không tin vào giả thuyết thị trường hiệu quả này, nhà đầu tư giá trị cho rằng, nếu giá cả thực sự phản ánh đúng giá trị nội tại, thì tại sao lại xuất hiện những phiên giá sụt giảm mạnh, thậm chí cả thị trường mất tới hơn 20% giá trị vốn hóa. Liệu giá trị nội tại của doanh nghiệp có thể thay đổi nhanh chóng trong một thời gian ngắn như vậy hay không? Vì vậy các nhà đầu tư giá trị tin rằng đôi khi một cổ phiếu đang được định giá quá thấp hoặc quá cao.

Biến động giá cổ phiếu Vinamilk

Biến động giá cổ phiếu Vinamilk (Ảnh: VnDirect)

Gần đây, việc thị trường chứng khoán thế giới cũng như Việt Nam diễn ra những biến động mạnh trong phiên cũng là những minh chứng cụ thể chống lại lý thuyết thị trường hiệu quả.

4. Không mua bán theo đám đông

Các nhà đầu tư giá trị chỉ quan tâm tới giá trị nội tại của cổ phiếu và chỉ mua cổ phiếu vì giá trị thực sự của nó, họ muốn sở hữu những công ty mà theo định giá của họ nó có kết quả kinh doanh và tài chính tốt, bất chấp cho việc giá cổ phiếu đang đi xuống hay những nhà đầu tư phổ thông trên thị trường không quan tâm và bỏ qua nó.

Đây chính là những cổ phiếu hấp dẫn đối với các nhà đầu tư giá trị, khi mà mọi người bán ra hoặc không quan tâm tới những cổ phiếu này, nhà đầu tư giá trị sau khi định giá đây đã là cổ phiếu tốt dưới mức giá trị nội tại, họ sẽ không ngần ngại để mua thêm vào nhiều hơn.

Đồng thời đối với những cổ phiếu đang được yêu thích trên thị trường hiện nay, các nhà đầu tư giá trị thường sẽ bán ra hoặc sẽ không nắm giữ và chạy theo số đông vì theo họ, những cổ phiếu này phần lớn đã có mức định giá vượt qua giá trị nội tại của nó và đây là những cổ phiếu đắt đỏ.

Như câu nói nổi tiếng của tỷ phú Warren Buffett từng nói "hãy tham lam khi người khác sợ hãi, và sợ hãi khi người khác tham lam". Nhà đầu tư giá trị chỉ quan tâm đến giá trị thực sự của cổ phiếu. Thay vì phán đoán tâm lý đám đông, họ cố gắng để hiểu hoạt động kinh doanh, ban lãnh đạo và triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai.

5. Kiên nhẫn và thận trọng

Đầu tư giá trị là một chiến lược đầu tư dài hạn và sẽ không phù hợp với những ai mong muốn có kết quả ngay lập tức trong thời gian ngắn hạn, thông thường với phương pháp đầu tư giá trị, cần phải mất thời gian từ vài năm hoặc cả thập kỷ để cổ phiếu này mang lại quả ngọt.

Đức tính kiên nhẫn là yếu tố rất quan trọng trong phương pháp đầu tư giá trị, đôi khi nhà đầu tư tìm ra một công ty thực sự tốt, nhưng mức định giá hiện tại đã quá cao, nhà đầu tư cần phải kiên nhẫn chờ đợi cho tới khi cổ phiếu có một mức giá hợp lý hơn.

Câu nói nổi tiếng của tỷ phú Warren Buffett đối với nguyên tắc này là:

Nếu bạn không sẵn sàng sở hữu một cổ phiếu trong mười năm, thì đừng nghĩ đến việc sở hữu nó trong mười phút.

Những bước thực hiện đầu tư theo phương pháp đầu tư giá trị

Đây là những bước tóm tắt được tham khảo và trích dẫn từ cuốn sách Nhà đầu tư thông minh, lưu ý rằng đây không phải là một lời khuyên đầu tư.

Bước 1: Phân biệt đầu tư và đầu cơ

Trong cuốn sách Nhà đầu tư thông minh, Graham giải thích sự khác biệt cơ bản giữa 2 loại hành vi trên thị trường chứng khoán: hành vi của nhà đầu tưhành vi của nhà đầu cơ.

Đầu tư được định nghĩa là một hoạt động, sau khi phân tích chặt chẽ, hứa hẹn bảo vệ tiền gốc và mang lại lợi nhuận tương ứng. Những hành động không đảm bảo được hai điều trên thì gọi là đầu cơ.

Mọi người thường nghĩ rằng họ đang đầu tư nhưng thực ra họ đang đầu cơ. Do vậy, rủi ro lớn nhất của các nhà đầu cơ là tin rằng mình là nhà đầu tư.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên có cách nhìn quá tiêu cực về đầu cơ, trong thị trường chứng khoán, hoạt động đầu cơ là cần thiết và là một phần không thể thiếu. Hoạt động đầu cơ giúp cho cổ phiếu có thanh khoản, có người mua và người bán.

Đầu cơ trong thị trường chứng khoán không xấu, tuy nhiên điều này đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của phương pháp đầu tư giá trị, và về thời gian lâu dài đầu cơ sẽ làm các nhà đầu tư bị thua lỗ.

Bước 2: Phân biệt giá và giá trị

Giá của một loại hàng hóa (cổ phiếu) luôn được quyết định bởi quy luật cung - cầu trên thị trường. Nếu lượng cầu vượt quá lượng cung trong ngắn hạn thì giá của tài sản đó sẽ tăng lên và đôi khi vượt quá giá trị của tài sản trong dài hạn. Ngược lại, khi người mua giảm dần hay ngừng mua, giá tài sản lại giảm mạnh. Thông thường, lại giảm thấp hơn giá trị của tài sản trong dài hạn.

Phân tích giá trị doanh nghiệp

Phân tích giá trị doanh nghiệp (Ảnh: freepik)

Giá trị của doanh nghiệp thường được tạo thành từ 2 thành phần chính gồm:

  • Tài sản và dòng tiền hiện tại
  • Tiềm năng lợi nhuận trong tương lai

Có nhiều phương pháp để đánh giá và định giá tiềm năng lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp, nó bao gồm mô hình kinh doanh, khả năng mở rộng và chiếm lĩnh thị trường, nhu cầu của thị trường trong tương lai, từ đó nhà đầu tư có thể định giá được giá trị của doanh nghiệp.

Bước 3: Phân biệt giá trị nội tại, giá trị sổ sách và giá trị thị trường

Đây là khái niệm mà các nhà đầu tư cần hiểu rõ để có thể hiểu và định giá đúng giá trị doanh nghiệp cũng như mức giá hiện tại là đắt hay rẻ.

Giá trị nội tại: Là giá trị của toàn bộ doanh nghiệp đang sở hữu bao gồm:

  • Giá trị tài sản hữu hình: Nhà xưởng, máy móc, thiết bị…
  • Giá trị tài sản vô hình: Con người, nhân sự, bằng sáng chế…
  • Lợi thế trong tương lai: Dòng tiền, tiềm năng mở rộng…

Giá trị sổ sách (Book value): Là giá trị được ghi nhận theo sổ sách kế toán hay báo cáo tài chính. Trên thực tế, giá trị ghi sổ không phản ánh hết toàn bộ giá trị của doanh nghiệp, tuy nhiên đây là một nguồn chính rõ ràng mà nhà đầu tư có thể dựa trên đó để phân tích doanh nghiệp.

Giá trị thị trường: Là giá trị do thị trường xác định cho doanh nghiệp thông qua giá cổ phiếu, đây chính là giá của cổ phiếu được bán trên sàn giao dịch. Vì thế, giá và giá trị thị trường là như nhau.

Bước 4: Tìm kiếm cổ phiếu hấp dẫn

Trên thị trường luôn có rất nhiều mã cổ phiếu đang lưu hành đầy đủ các loại ngành nghề khác nhau. Việc khó khăn ở đây là làm sao có thể chọn lọc ra những cổ phiếu hấp dẫn trong tất cả những cổ phiếu đó.

Theo phương pháp đầu tư giá trị, nhà đầu tư giá trị hướng tới những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ổn định và có thế mạnh đặc trưng về lĩnh vực đang hoạt động, đồng thời có những tiềm năng trong tương lai, nhà đầu tư giá trị cần xây dựng cho mình những bộ lọc để có thể tìm được những cổ phiếu hấp dẫn.

Một số cách để lọc nhanh những cổ phiếu giá trị như sau:

  • Những công ty sở hữu những doanh nghiệp kinh doanh những sản phẩm phổ biến trên thị trường hiện nay
  • Những công ty có thời gian phát triển tương đối đã được thị trường chứng minh
  • Những công ty có đội ngũ nhân sự chất lượng và gắn bó với công ty
  • ...

Bước 5: Phân tích và định giá doanh nghiệp

Để phân tích và định giá doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tìm hiểu về mô hình hoạt động và hoạt kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp, giá trị nội tại của doanh nghiệp, tiềm năng phát triển trong tương lai, nghiên cứu báo cáo tài chính, báo cáo phân tích cổ phiếu, từ đó định giá được doanh nghiệp.

Sau khi định giá được giá trị doanh nghiệp, so sánh với giá hiện tại của doanh nghiệp trên thị trường, từ đó biết được mức giá hiện nay của doanh nghiệp có đang hợp lý để đầu tư hay cần phải chờ đợi thêm.

Tổng kết

Phương pháp đầu tư giá trị không phải là một phương pháp toàn năng để giúp nhà đầu tư có thể chắc chắn chiến thắng thị trường chứng khoán, tuy nhiên đã có rất nhiều nhà đầu tư nổi tiếng áp dụng và thành công với phương pháp này.

Phương pháp đầu tư theo giá trị không thật sự quá khó, tuy nhiên nó đòi hỏi nhà đầu tư phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc chính và kiên nhẫn đầu tư theo thời gian.

Điểm mạnh của phương pháp đầu tư giá trị là giúp nhà đầu tư có thể định giá doanh nghiệp một cách khách quan và tránh được việc bị cảm xúc chi phối trong đầu tư, đồng thời giúp nhà đầu tư tận dụng được lãi suất kép với thời gian đầu tư dài, tuy nhiên phương pháp đầu tư này sẽ phù hợp với những nhà đầu tư có nguồn vốn ổn định và lâu dài để có thể nắm giữ cổ phiếu trong thời gian dài.

Hi vọng bài viết trên đây đã giúp các nhà đầu tư có cách nhìn một cách khái quát về phương pháp đầu tư giá trị để tham khảo và xây dựng cho riêng mình một phương pháp đầu tư phù hợp và hiệu quả.

© 2021 - 2025 LaiNganHang