Chứng chỉ quỹ là gì?

Đối với thị trường chứng khoán, ngoài các sản phẩm chứng khoán như cổ phiếu, chứng quyền, phái sinh, còn một hình thức đầu tư phổ biến khác đó là chứng chỉ quỹ. Chứng chỉ quỹ là một loại hình đầu tư đã có từ lâu, rất phát triển và phổ biến trên thị trường chứng khoán ở các quốc gia khác. Tuy nhiên ở thị trường Việt Nam thì chứng chỉ quỹ chưa thật sự được phổ biến và tiếp cận rộng rãi đối với đại đa số nhà đầu tư.

Ở thị trường Việt Nam, chứng chỉ quỹ đang có dấu hiệu và một số tín hiệu phát triển rất mạnh mẽ khi có những hình thức và dịch vụ của các công ty mới nổi giúp nhà đầu tư tiếp cận các chứng chỉ quỹ đơn giản và hiệu quả hơn.

Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về hình thức đầu tư chứng chỉ quỹ trong bài viết ngày hôm nay.

Chứng chỉ quỹ là gì?

Chứng chỉ quỹ là một loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư góp vốn vào một Quỹ đại chúng. Quỹ đại chúng ở đây chính là quỹ đầu tư được hình thành từ sự góp vốn của nhiều nhà đầu tư và hoạt động nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc đầu tư chứng khoán hoặc các dạng đầu tư tài sản khác.

Chứng chỉ quỹ có 2 loại là quỹ đóngquỹ mở, tuy nhiên khác biệt về tính thanh khoản là nguyên nhân cơ bản khiến số lượng quỹ mở áp đảo hoàn toàn so với quỹ đóng. Theo dữ liệu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2021 có 35 quỹ mở và 1 quỹ đóng đang hoạt động trong danh sách các quỹ đầu tư hiện nay.

Chứng chỉ quỹ là gì?

Chứng chỉ quỹ là gì? (Ảnh: finhay)

Quỹ đóng là gì?

Theo Luật Chứng khoán, Quỹ đóng là quỹ đại chúng mà chứng chỉ quỹ đã chào bán ra công chúng và không được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư. Có nghĩa nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ không được bán lại cho công ty quản lý quỹ, nhưng việc giao dịch có thể thực hiện trên thị trường thứ cấp giữa các nhà đầu tư với nhau.

Giới hạn về quy mô, thời gian và tính thanh khoản nhưng ưu thế của quỹ đóng là nguồn vốn ổn định nên công ty quản lý quỹ có thể tập trung cho những tài sản dài hạn, tỷ suất sinh lời cao.

Quỹ mở là gì?

Ngược lại với quỹ đóng, Quỹ mở là quỹ đại chúng mà chứng chỉ quỹ đã chào bán ra công chúng phải được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư. Thời gian hoạt động, quy mô vốn của quỹ mở không bị giới hạn như quỹ đóng mà phụ thuộc vào tình hình hoạt động và khả năng huy động vốn của công ty quản lý phát hành chứng chỉ quỹ. Lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định bằng chênh lệch giữa giá mua và bán.

Nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ mở thể dừng đầu tư bất cứ lúc nào, chuyển chứng chỉ quỹ thành tiền mặt khi có nhu cầu. Việc mua bán có thể thực hiện ở nhiều nơi như công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán hoặc các ngân hàng, đại lý phân phối được chỉ định.

So sánh chứng chỉ quỹ và cổ phiếu

Chứng chỉ quỹ có nhiều sự tương đồng với cổ phiếu, do đó, rất nhiều người thường có sự nhầm lẫn giữa chứng chỉ quỹ và cổ phiếu.

Chứng chỉ quỹ giống cổ phiếu như thế nào?

  • Chứng chỉ quỹ và cổ phiếu đều đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư có thể thoải mái mua chúng trên thị trường chứng khoán
  • Sau khi đã mua được chứng chỉ quỹ hoặc cổ phiếu thì đây đều là bằng chứng xác nhận quyền sở hữu của các nhà đầu tư

Chứng chỉ quỹ khác cổ phiếu như thế nào?

Tiêu chí Chứng chỉ quỹ Cổ phiếu
Mục đích phát hành Là cách thức để thành lập quỹ đầu tư đại chúng Là cách thức huy động vốn của một công ty/doanh nghiệp
Quyền của nhà đầu tư Nhà đầu tư không có quyền quyết định đầu tư mà chỉ góp vốn và thu về lợi nhuận từ khoản đầu tư đó. Có quyền quyết định, quyền biểu quyết và quản lý trong công ty.
Nhà đầu tư có quyền mua/bán chứng chỉ quỹ Toàn quyền quyết định giao dịch mua bán cổ phiếu
Trách nhiệm của nhà đầu tư Nhà đầu tư không thể can thiệp hay quyết định việc mua/bán cổ phiếu Toàn quyền hưởng lợi hoặc chịu trách nhiệm bởi quyết định của mình
Thời gian giao dịch Theo quy định của quỹ Từ thứ Hai đến thứ Sáu, trừ dịp lễ Tết theo quy định

Lợi ích của việc mua chứng chỉ quỹ

Tiết kiệm thời gian đầu tư

Chứng chỉ quỹ được quản lý và ra quyết định mua/bán, cân đối danh mục bởi những nhà đầu tư chuyên nghiệp trong quỹ, vì vậy nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ không cần phải tốn thời gian để sàng lọc cổ phiếu đưa vào danh mục.

Đa dạng danh mục đầu tư với chi phí thấp

Với số lượng cổ phiếu tối thiểu cho mỗi giao dịch, để đa dạng hóa danh mục đầu tư, nhà đầu tư cần phải bỏ ra số tiền tương đối lớn, trong khi đối với chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư là người góp vốn và số vốn chung của quỹ, từ đó nhận được sự đa dạng hóa danh mục với chi phí thấp hơn nhiều.

Đa dạng hoá danh mục với chứng chỉ quỹ

Đa dạng hoá danh mục với chứng chỉ quỹ (Ảnh: muoitydong.com)

Hạn chế rủi ro với những biến động ngắn hạn của thị trường

Những biến động trong ngắn hạn trong thị trường chứng khoán có thể gây ra rủi ro cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, với đầu tư chứng chỉ quỹ, đa dạng hóa danh mục được chọn lọc, phân tích và nghiên cứu từ những nhà quản lý quỹ có kinh nghiệm, nhờ đó những biến động ngắn hạn của thị trường không gây ra ảnh hưởng quá lớn đối với danh mục của chứng chỉ quỹ.

Tính thanh khoản cao

Nhà đầu tư có thể rút ra một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư của mình bất cứ lúc nào đối với chứng chỉ quỹ. Nhà đầu tư có thể bán lại cho quỹ phát hành hoặc chuyển nhượng / bán lại ở thị trường thứ cấp đối với các nhà đầu tư khác.

Tiêu chí đánh giá chứng chỉ quỹ tốt nhất

Chứng chỉ quỹ là một sản phẩm chứng khoán, nên nó cũng tiềm ẩn những rủi ro chứ không phải hoàn toàn an toàn, vì vậy, nhà đầu tư cũng phải nghiên cứu về quỹ để hiểu và cân nhắc về rủi ro cũng như lợi nhuận trước khi quyết định mua chứng chỉ quỹ. Sau đây là một số tiêu chí nhà đầu tư có thể tham khảo để đánh giá các chứng chỉ quỹ trước khi quyết định góp vốn vào quỹ.

Thông tin công khai, minh bạch

Trước khi chính thức tham gia chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư cần dành nhiều thời gian để tìm hiểu thật kỹ càng thông tin chi tiết của từng công ty quản lý quỹ. Các công ty quản lý quỹ có trách nhiệm cung cấp thông tin về quỹ đầu tư một cách minh bạch, đầy đủ và cụ thể nhất. Cho dù có thua lỗ cũng cần có những con số liên quan xác thực, mọi giao dịch đều phải được công bố công khai rõ ràng.

Nếu một công ty không đưa ra được các tài liệu, con số hoặc những thông tin rõ ràng đến nhà đầu tư thì nên xem xét lại mức độ uy tín của công ty đó.

Được giám sát bởi Ngân hàng theo quy định Pháp luật

Mọi chứng chỉ quỹ đều được giám sát nghiêm ngặt bởi Ngân hàng, khi tham gia đầu tư góp vốn vào chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư cần xác thực chứng chỉ quỹ đó có đang được giám sát bởi ngân hàng nào không. Nếu bỏ qua bước này nhà đầu tư sẽ không được bảo vệ quyền lợi khi mọi rủi ro, bất trắc xảy ra.

Đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm

Đối với các quỹ đầu tư, nhà đầu tư không được đưa ra quyết định đầu tư, mà hoàn toàn dựa vào ban quản lý của quỹ, vì vậy cần phải xem xét ban quản lý quỹ và đội ngũ chuyên gia trong quỹ về kinh nghiệm phân tích, đầu tư, cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý quỹ.

Lợi nhuận đầu tư trong quá khứ

Mục đích cuối cùng của việc đầu tư dù là cổ phiếu, trái phiếu hay chứng chỉ quỹ là lợi nhuận, vì thế, nhà đầu tư cần xem xét mức lợi nhuận mà chứng chỉ quỹ đã mang về trong quá khứ.

Một chứng chỉ quỹ tốt không cần thiết phải luôn luôn mang về mức lợi nhuận cao nhất trên thị trường, tuy nhiên, nếu tỷ lệ thua lỗ cao và kéo dài trong thời gian dài thì đó là chứng chỉ quỹ không tốt để góp vốn. Nhà đầu tư có thể tham khảo các báo cáo tài chính và kết quả đầu tư của quỹ được công bố công khai để biết được hiệu quả đầu tư của quỹ.

Chiến lược đầu tư của quỹ

Mỗi quỹ sẽ có chiến lược đầu tư khác nhau, từ đó sẽ có cách phân bổ vốn vào các danh mục đầu tư khác nhau. Vì vậy, nhà đầu tư cần xem xét chiến lược đầu tư của quỹ trước khi quyết định đầu tư góp vốn vào quỹ.

Đầu tư chứng chỉ quỹ cần lưu ý điều gì?

Mỗi chứng chỉ quỹ sẽ có chiến lược đầu tư và góp vốn khác nhau, vì vậy nhà đầu tư cần kiểm tra thông tin kỹ càng trước khi quyết định đầu tư góp vốn vào quỹ, sau đây là một số điều nhà đầu tư cần lưu ý trước khi đầu tư vào chứng chỉ quỹ:

Giá trị đăng ký mua tối thiểu chứng chỉ quỹ

Các chứng chỉ quỹ khác nhau có mức giá trị mua tối thiểu khác nhau, tuy nhiên giá trị mua tối thiểu của các chứng chỉ quỹ hiện nay không quá cao. Một số chứng chỉ quỹ có giá trị mua tối thiểu là 10,000 VNĐ, tuy nhiên một số chứng chỉ quỹ khác là 1,000,000 hoặc 2,000,000 VNĐ.

Phân bố tài sản trong quỹ

Như đã đề cập ở trên, nhà đầu tư cần biết tỷ lệ phân bổ tài sản vào các danh mục đầu tư khác nhau của chứng chỉ quỹ, từ đó biết được tỷ lệ rủi ro cũng như khẩu vị đầu tư trong danh mục của quỹ có phù hợp với bản thân nhà đầu tư hay không.

Ngày giao dịch của quỹ

Không giống như thời gian giao dịch chứng khoán của cổ phiếu, một số chứng chỉ quỹ chỉ cho phép giao dịch một số ngày nhất định trong tuần, vì vậy nhà đầu tư cần lưu ý tới thời gian dịch của chứng chỉ quỹ.

Mua chứng chỉ quỹ trên VnDirect

Mua chứng chỉ quỹ trên VnDirect (Ảnh: VnDirect)

Chính sách cổ tức của quỹ

Tương tự như cổ phiếu, một số chứng chỉ quỹ có chính sách chia cổ tức cho nhà đầu tư khi quỹ nhận được cổ tức từ cổ phiếu từ thị trường chứng khoán, tuy nhiên không phải tất cả các quỹ đều có chính sách như vậy, nhà đầu tư cần đọc rõ điều khoản và chính sách của quỹ trước khi tham gia, thông thường, cổ tức sẽ được bổ sung đưa vào danh mục của quỹ.

Phí quản lý quỹ

Chứng chỉ quỹ được quản lý và điều hành bởi công ty phát hành quỹ, ở đó có đội ngũ chuyên gia để phân tích, nghiên cứu và quản lý danh mục, vì vậy, hầu hết các chứng chỉ quỹ đều thu phí quản lý dựa trên tài sản tuần (NAV - Net Asset Value) của nhà đầu tư, thông thường phí quản lý quỹ thường ở mức 1-2%/NAV/năm tuỳ vào quỹ.

Phí phát hành và Phí mua lại

Ngoài phí quản lý quỹ, nhà đầu tư còn chịu thêm mức phí lúc mua và bán chứng chỉ quỹ, phí này được quy định bởi công ty phát hành chứng chỉ quỹ, được công bố ở mục phí phát hành và phí mua lại chứng chỉ quỹ.

Tổng kết

Với những đặc điểm chứng chỉ quỹ đã được chúng tôi nêu ra chi tiết ở trên, chứng chỉ quỹ đặc biệt phù hợp đối với những nhà đầu tư mong muốn đầu tư một cách ổn định và lâu dài đối với thị trường chứng khoán, tuy nhiên không có không có nhiều thời gian dành cho việc nghiên cứu và phân tích thị trường chứng khoán mà vẫn có thể được hưởng những lợi ích của việc đầu tư chứng khoán dựa vào các các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp.

Hi vọng với bài viết trên, chúng tôi đã cung cấp được cho bạn đọc kiến thức về chứng chỉ quỹ một cách rõ ràng và dễ hiểu nhất.