Các loại sản phẩm chứng khoán

Chứng khoán là khái niệm được dùng khi đề cập đến các sản phẩm tài chính xác nhận sở hữu hợp pháp đối với tài sản hoặc phần vốn của công ty hay tổ chức đã phát hành, các sản phẩm chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng tương lai, chứng quyền, chứng chỉ quỹ... Các sản phẩm chứng khoán ở thị trường chứng khoán Việt Nam được chia làm 4 nhóm chính là:

  • Chứng khoán cơ sở
  • Chứng khoán phái sinh
  • Chứng quyền có đảm bảo
  • Chứng chỉ quỹ

Các sản phẩm chứng khoán

Các sản phẩm chứng khoán

Chứng khoán cơ sở

Cổ phiếu

Cổ phiếu là một loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu cổ phần của tổ chức phát hành. Người nắm giữ cổ phiếu trở thành cổ đông của công ty phát hành. Có hai loại cổ phiếu là cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi.

1. Cổ phiếu thường (cổ phiếu phổ thông):

Người nắm giữ cổ phiếu thường có quyền dự họp đại hội cổ đông cũng như có quyền biểu quyết những vấn đề lớn của công ty.

2. Cổ phiếu ưu đãi:

Tùy vào loại hình ưu đãi mà người nắm giữ sẽ hoặc được hưởng một số đặc quyền hơn hoặc bị hạn chế một số quyền so với cổ đông phổ thông. Có ba loại cổ phiếu ưu đãi phổ biến:

  • Cổ phiếu ưu đãi cổ tức: Được trả cổ tức cao hơn người nắm cổ phiếu phổ thông nhưng bị loại trừ quyền biểu quyết, dự họp đại hội cổ đông hay đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát
  • Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại: Người nắm giữ cổ phiếu này được công ty hoàn lại vốn góp bất cứ khi nào theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được thoả thuận trước. Những người nắm cổ phiếu này cũng bị loại trừ quyền biểu quyết, dự họp đại hội cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát
  • Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết: Là cổ phiếu có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phiếu phổ thông, ngoài ra còn có các quyền khác như: dự họp đại hội cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, nhưng không được chuyển nhượng cổ phiếu đó cho người khác

Trái phiếu

Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ của đơn vị phát hành (doanh nghiệp hoặc chính phủ) với người nắm giữ trái phiếu (người cho vay) với một khoản tiền trong một thời gian xác định.

Thu nhập của trái phiếu được gọi là lợi tức - là khoản tiền lãi được trả cố định thường kỳ cho người nắm giữ và không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của đơn vị phát hành. Đơn vị phát hành trái phiếu phải trả lợi tức cho người sở hữu trái phiếu và hoàn trả khoản tiền vay khi trái phiếu đáo hạn.

Trái phiếu là chứng khoán nợ, vì vậy khi đơn vị phát hành trái phiếu bị giải thể hoặc phá sản, người nắm giữ trái phiếu được ưu tiên thanh toán trước cổ đông nắm giữ cổ phiếu. Khác với người nắm giữ cổ phiếu, trái chủ (người nắm giữ trái phiếu) không có quyền tham gia vào hoạt động của đơn vị phát hành trái phiếu.

Có nhiều loại trái phiếu khác nhau, được phân loại khác nhau theo các tiêu chí:

  • Đơn vị phát hành: Trái phiếu doanh nghiệp hoặc trái phiếu chính phủ
  • Lợi tức trái phiếu: Lãi suất cố định, lãi suất thả nổi, lãi suất bằng 0
  • Mức độ đảm bảo thanh toán
  • Hình thức và tính chất trái phiếu

So sánh chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh

So sánh chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh (Ảnh: VnDirect)

Chứng khoán phái sinh

Chứng khoán phái sinh được định nghĩa là các công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng mà trong đó giá trị của chúng phụ thuộc vào một hay nhiều loại tài sản cơ sở. Chứng khoán phái sinh tại Việt Nam có 4 sản phẩm:

Hợp đồng Kỳ hạn (HĐKH):

Là thỏa thuận pháp lý giữa hai bên tham gia về việc mua và bán một loại tài sản tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước tại ngày thực hiện giao dịch (hiện tại).

Hợp đồng Tương lai (HĐTL):

Là một dạng hợp đồng kỳ hạn được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.

Hợp đồng Quyền chọn (HĐQC):

Bao gồm quyền chọn mua và quyền chọn bán. Người nắm giữ hợp đồng quyền chọn có quyền, nhưng không có nghĩa vụ, mua hoặc bán một loại tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai theo mức giá được xác định trước. Người bán hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện giao dịch khi người nắm giữ hợp đồng chọn thực hiện quyền.

Hợp đồng Hoán đổi (HĐHĐ):

Là một thỏa thuận pháp lý giữa hai bên về việc hoán đổi các dòng tiền phát sinh từ các công cụ tài chính trong tương lai. Hợp đồng sẽ quy định rõ thời điểm hoán đổi dòng tiền và phương pháp tính toán cụ thể.

Chứng quyền có đảm bảo

Chứng quyền có bảo đảm là một sản phẩm do công ty chứng khoán phát hành, được niêm yết trên sàn chứng khoán với mã giao dịch riêng và có đặc điểm tương tự như một hợp đồng quyền chọn.

Chứng quyền có hai loại là chứng quyền mua và chứng quyền bán, mỗi chứng quyền sẽ gắn liền một mã chứng khoán cơ sở như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chỉ số... để xác định lãi hoặc lỗ.

Chứng quyền có bảo đảm được giao dịch ngay (T+0) trên thị trường chứng khoán. Chứng quyền luôn có thời hạn, thường là từ 4-9 tháng. Giá của chứng quyền thường thấp hơn nhiều lần so với giá chứng khoán cơ sở, nhưng tính đòn bẩy cao và có thể tính được khoản lỗ tối đa.

Chứng quyền có bảo đảm cung cấp cho nhà đầu tư quyền hưởng giá chênh lệch của cổ phiếu. Nếu đang sở hữu chứng quyền và có lãi, nhà đầu tư có thể hiện thực hóa lợi nhuận thông qua bán trực tiếp trên sàn hoặc chờ đến ngày đáo hạn.

Chứng chỉ quỹ

Chứng chỉ quỹ (ETF) là một loại chứng khoán dùng để xác nhận quyền sở hữu vốn góp trong một quỹ đầu tư đại chúng nào đó. Danh mục đầu tư của quỹ đa dạng gồm cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu đăng ký giao dịch, trái phiếu, tiền gửi ngân hàng, bất động sản... Chứng chỉ quỹ gồm có 2 loại là quỹ đóng và quỹ mở, được phát hành bởi công ty quản lý quỹ. Thông tin về hoạt động của quỹ được minh bạch, báo cáo định kỳ thường xuyên.

Hoạt động của quỹ mở

Hoạt động của quỹ mở (Ảnh: Finhay)

Quỹ đóng

Quỹ đóng là quỹ đại chúng mà chứng chỉ quỹ đã chào bán ra công chúng không được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư. Điều này có nghĩa nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ không được bán lại cho công ty quản lý quỹ, nhưng việc giao dịch có thể thực hiện trên thị trường thứ cấp giữa các nhà đầu tư. Bị giới hạn về quy mô, thời gian và tính thanh khoản nhưng ưu thế của quỹ đóng là nguồn vốn ổn định nên công ty quản lý quỹ có thể tập trung cho những tài sản dài hạn, tỷ suất sinh lời cao.

Quỹ mở

Quỹ mở là quỹ đại chúng mà chứng chỉ quỹ đã chào bán ra công chúng phải được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư. Thời gian hoạt động, quy mô vốn của quỹ mở không bị giới hạn như quỹ đóng mà phụ thuộc vào tình hình hoạt động và khả năng huy động vốn của công ty quản lý quỹ. Lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định bằng chênh lệch giữa giá mua và bán.

Người nắm giữ chứng chỉ quỹ mở thể dừng đầu tư bất cứ lúc nào, chuyển chứng chỉ quỹ thành tiền mặt, nếu thấy rủi ro hoặc vì lý do khác. Việc mua bán có thể thực hiện ở nhiều nơi như công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán hoặc các ngân hàng, đại lý phân phối được chỉ định.

Trên đây là tổng hợp về các loại sản phẩm chứng khoán hiện nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hi vọng sẽ giúp các nhà đầu tư có thể hiểu rõ được các loại sản phẩm chứng khoán khác nhau để có cách lựa chọn được loại hình sản phẩm phù hợp với nhu cầu đầu tư của riêng mình.